Tôi biết có rất, rất nhiều những VĐV phải hy sinh tuổi thanh xuân để đánh đổi những vinh quang đem về cho Tổ quốc, nhưng vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ về trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên.
Xem thêm: Nhận định bóng đá chính xác hôm nay
Năm 2012, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn. Từ đó tới nay, mỗi năm ngân sách của Tổng cục TDTT và đơn vị Quân đội chi trung bình trên dưới 5 tỷ đồng, gần đây thậm chí tăng lên 7-8 tỷ đồng. Kình ngư Cần Thơ được đánh giá là viên ngọc quý “50 năm mới có” của bơi lội Việt Nam. Mục tiêu ngành thể thao đặt ra với Ánh Viên là phải hướng tới tranh đoạt huy chương đấu trường Asiad và Olympic. Năm 2015, Ánh Viên bùng nổ tại SEA Games 28 (Singapore). Đây có lẽ cũng là kỳ đại hội thể thao khu vực hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của Viên. Bắt đầu từ sau Olympic Brazil 2016, giới chuyên môn và những người rành rẽ nội tình môn bơi lội bắt đầu bày tỏ những lo lắng đối với quá trình tập huấn, thi đấu của cô. Tuy nhiên tại Thế vận hội Brazil, dù không đạt kết quả như chờ đợi nhưng thành tích của Ánh Viên vẫn rất tốt, với thành tích 4 phút 36 giây 85 nội dung 400m hỗn hợp.
Đặc biệt sau SEA Games 2017 (Malaysia) khi Ánh Viên tiếp tục phải đăng ký dự thi quá nhiều cự li thay vì tập trung cho các cự li sở trường. Ngoài cách thức tập huấn, thi đấu, tôi từng có bài viết nêu ra một số vấn đề khác, trong đó chuyện Viên phải tập huấn xa nhà dài ngày 1 thầy 1 trò với HLV Đặng Anh Tuấn. Ở đây xin nói thêm là cách thức tập huấn “1 thầy, 1 trò” như vậy là hiếm thấy, hay chính xác hơn chưa từng có tiền lệ với thể thao Việt Nam. Một đợt, Tổng cục TDTT đã đưa thêm kình ngư Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập cùng Ánh Viên, nhưng không lâu sau, vì lẽ nào đó giữa các bên xảy ra mâu thuẫn và Quý Phước về nước. Ánh Viên lại tiếp tục 1 mình cùng HLV Đặng Anh Tuấn tập huấn ở Mỹ, từ đó tới nay đã 8 năm. Bài lên báo hôm trước thì hôm sau, một lãnh đạo Tổng cục TDTT lúc đó hẹn gặp riêng trao đổi và nói: “Các anh biết ý của em và mọi người nói tới những vấn đề gì”. Thực tế trước thềm Olympic Brazil 2016, HLV Đặng Anh Tuấn đã từng đề nghị xin nghỉ, Tổng cục TDTT cũng tổ chức hẳn một cuộc họp để bàn vấn đề thay chuyên gia nước ngoài cho Ánh Viên, nhưng sau đó mọi việc dừng lại. Tổng cục TDTT như gần đây khẳng định, Ánh Viên không muốn thay thầy. Năm 2017, đồng nghiệp của tôi bên báo Bóng Đá, nhà báo Đỗ Tuấn từng có bài viết về chuyện Ánh Viên phải căng sức để thi cả chục cự li tại giải Bơi lội VĐQG. Viên mệt đến mức phải xin nghỉ nhưng không được chấp thuận. Ngay tại Asiad 2018 khi Ánh Viên thi đấu không thành công, Phó đoàn TTVN Nguyễn Trọng Hổ đã phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí, đại ý: Ánh Viên phải bơi nhiều để đủ chỉ tiêu HCV SEA Games, vì cô khó cạnh tranh ở đấu trường Olympic. Tuy nhiên quan điểm này của ông Nguyễn Trọng Hổ bị Trưởng đoàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn bác ngay tại chỗ. Nếu nhìn vào cách thức đầu tư của ngành thể thao đối với Ánh Viên những năm qua, tôi cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Trọng Hổ mới phản ánh bản chất “phép tính” của Tổng cục TDTT đối với Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô buộc phải “gánh” chỉ tiêu huy chương cho thể thao Việt Nam, và nhiệm vụ này đứng trên cả đích ngắm Asiad hay Olympic. Ánh Viên đã không nhận được sự quan tâm cần thiết để có thể bứt phá, cho dù đầy tiềm năng. Thời gian tập huấn đằng đẵng, Ánh Viên cũng cô lập với phần còn lại. 16-23 là độ tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ. Vẫn biết có rất nhiều những VĐV như Viên, phải hy sinh thanh xuân để đánh đổi vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng càng nghĩ càng không khỏi xót xa.
|